http://thichdapxe.blogspot.com

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

ĐẠO THIÊN CHÚA - CHỮ QUỐC NGỮ - THOÁT VÒNG HÁN HÓA


Chẳng biết từ năm nào Giáng sinh không còn là ngày vui của riêng các tín đồ thiên chúa giáo,đặc biệt nó là ngày mà tầng lớp thanh thiếu niên ngoại đạo đến các nhà Thờ của đạo thiên chúa đông nhất và cũng làm nên không khí náo nhiệt hơn cả.
Mấy chục năm sau khi rời ghế nhà trường có một lần nhìn các cháu Học sinh cắp sách đến trường Tiều Phu tự hỏi ,con chữ mà mình được học lấy từ đâu ra ?tự hỏi và tự tìm câu trả lời, à thì ra con chữ đólà công lao và có cả tính mạng của các Giáo sĩ người phương Tây tạo ra khi họ vào việt nam truyền giáo.
Chẳng biết trên thế giới có dân tộc nào có những tình cảnh oái oăm như dân tộc Việt mấy nghìn năm qua hay không khi nói đến nguồn gốc các loại chữ viết đã có ở nước ta . Theo các nhà ngôn ngữ học ,Trước khi có chữ Hán ( chữ Nho) chúng ta đã có chữ viết riêng gọi là chữ Khoa đẩu, hai Bà Trưng đã dùng chữ khoa đẩu để viết hịch đánh giặc ngoại xâm.
Sau khi cuộc khởi nghĩa hai Bà trưng thất bại, cùng với việc vơ vét của cải các triều đại phương bắc đã dùng chính sách vô cùng thâm độc đó là hủy hoại và tiến đến xóa bỏ triệt để nền văn hóa của nước Đại Việt, điển hình là việc Mã viện thu gom trống đồng để nung chảy dựng cột Đồng , các thái thú Sỹ Nhiếp ,Nhâm Diên tích cực truyền bá chữ Hán ,cực kỳ tàn bạo là khi giặc Minh đô hộ chúng tịch thu và đốt phá sách vở kho tàng văn hóa hàng nghìn năm của nước ta phần bị chúng mang về nước phần bị hư hỏng và thất thoát một phần rất lớn.
Nhưng cho dù nằm dưới ách đô hộ gần nghìn năm tiếng nói và văn hóa của người Việt không mất đi,nó tồn tại và được gìn giữ trong dân gian bằng thơ, ca , hò ,vè ngay cả khi các triều đại Đinh ,Lý,Trần, Lê giành được độc lập và tự nguyện tiếp thu và là thứ chữ dành cho tầng lớp cai trị song chữ Nho không được coi là Quốc Ngữ, và dẫn đến một chuyện rất buồn cười Quốc tự của triều đình nhưng không được ghi bằng Quốc ngữ.
Một bất cập có thể thấy là người Việt nói tiếng Việt nhưng lại dùng chữ Nho để ghi âm dẫn đến việc cụ thể hóa ngôn ngữ Việt sang ký tự chữ Nho không đầy đủ , để giải quyết mâu thuẫn này người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm ( vào đầu thế kỷ XIII), nhằm thay thế chữ Nho . Nhưng trớ trêu thay chữ Nôm lại dựa trên căn bản là chữ Nho vì vậy muốn biết chữ Nôm trước hết phải biết chữ Nho.
Năm 1533 Giáo sĩ đầu tiên người Bồ Đào Nha đặt chân đến Việt nam truyền giáo và với dấu tích để lại trong sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục , năm 1533 được coi là năm khởi đầu cho đạo Thiên chúa ở Việt Nam . Nhưng vì lý do chữ Nho và chữ Nôm rất khó học nên các Giáo sĩ đã dùng các ký tự chữ cái La tinh để viết và phiên âm tiếng Việt dùng cho việc truyền giáo.Sau nhiều năm nghiên cứu với sự đóng góp công sức của nhiều Giáo sĩ Bồ Đào Nha và Việt Nam ,đến năm 1651 Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ( tên tiếng Việt là Đắc Lộ) đã hoàn thành cuốn từ điển Việt-Bồ-La và xuất bản năm 1651.
Năm 1651 cũng chính thức đánh dấu cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, tuy nhiên do sự ảnh hưởng nặng nề của chữ Nho và chữ Nôm cũng như sự lệ thuộc về văn hóa nên các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn cấm đoánvà thậm chí giết hại các Giáo sĩ và không cho phổ biến chữ viết tiến bộ này ,vì vậy chữ Quốc ngữ chỉ được dùng để giảng đạo trong tầng lớp Giáo dân.
Trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên là trường trung học Adran được các Giáo sĩ mở giai đoạn 1861-1887 tại Sài Gòn . Ông Trương Vĩnh Ký là người khai sinh nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam ,ông là Tổng biên tập tờ Gia Định báo và in chữ Quốc ngữ đầu tiên phát hành tại Sài Gòn ngày 14/4/1865 và nước Việt Nam nên lấy ngày này làm ngày báo chí Việt Nam.

Mãi cho đến năm 1925 toàn quyền Đông Dương lúc bây giờ là Martial Merlin đã ký quyết định dạy chữ Quốc Ngữ ở ba năm đầu bậc tiểu học khởi đầu cho sự cáo chung của một nền Nho học đã áp đặt lên nước Đại Việt hàng nghìn năm qua.
Có thể nói dạo Thiên chúa đến Việt nam và sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự thay đổi hết sức to lớn và có ý nghĩa quyết định cho việc thoát vòng Hán hóa . Với hơn một nghìn năm Bắc thuộc tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào tầng lớp cai trị cũng như các bậc Sĩ phu , từ cách đi đứng hay tầm chương trích cú đều dẫn giải từ các điển tích Trung Hoa cho đến cả thơ cũng nhuộm màu Bắc thuộc (thơ Đường), đến việc xây Cung điện ,Đền đài ,Lăng mộ cũng mô phỏng theo kiểu cách Tàu .
Chữ Quốc ngữ ra đời với một bộ chữ khoa học dễ học ,dễ đọc,dễ nhớ,và có thể thấy hiện nay Quốc ngữ của Việt Nam khác hoàn toàn các Quốc ngữ của các nước trong vùng cùng mang một nền văn hóa Á Đông. Kể từ đây thay vì chỉ biết điển tích Châu về Hợp Phố ta còn biết Cái gì của Xê za hãy trả lại cho Xê za . Thay vì suốt ngày chìm đắm trong Tam Quốc diễn nghĩa ,Hồng lâu mộng ta còn biết đến Gót chân Asin và cuộc chiến thành Tơ Roa.
Một nền học thuật và kiến trúc Phật giáo và Nho giáo hàng nghìn năm qua luôn luôn là tài sản quý giá vì nó có giá trị về mặt lịch sử , khảo cổ nhưng cái triết lý theo chủ Nghĩa Quân thần đã lỗi thời và phải được vứt bỏ thay vào đó là sự tôn trọng quyền con người được sống và được nói lên chính kiến của mình .
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NHÀ THỜ THIÊN CHÚA THUỘC GIÁO XỨ THÁI YÊN-NÔNG CỐNG 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

QUÁN NĂM CÔ VÀ ĐỀN NĂM CẬU

 
 
Lãng khách khi đặt chân đến đất Nông Cống có hai nơi nên ghé thăm đó là QUÁN NĂM CÔ và ĐỀN NĂM CẬU . Có một điều thú vị là Quán năm cô nhưng lại kinh doanh thịt chó, vị trí quán nằm bên đường nhưng tương đối kín đáo.Điều thú vị như thế nào xin nhường Lãng khách đến tận nơi tìm hiểu .
Cách quán năm cô không xa là đền năm cậu,nói là đền thờ năm cậu nhưng  đúng ra chỉ có bốn cậu và một cô,đền này còn có tên được ghi trên Biển gian chính diện là Đền Mưng thờ năm cha con ông Lê Ngọc . Về cuộc khởi nghĩa của cha con ông Lê Ngọc các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư , Việt Nam sử lược đều không có một dòng nào ghi lại nhưng theo thần tích ở đền thờ ông ở Đông Ninh ,Đông Sơn và đặc biệt tấm bia đá được cho là cổ nhất được phát hiện tại đền thờ này thì được biết.
Lê Ngọc là người Trung Quốc vào đời nhà Tùy  được phái sang nước ta làm thái thú quận Nhật Nam ( Nghệ An,Hà Tĩnh) sau đó là quận Cửu Chân lấy vợ người quận Nhật Nam sinh được 3 con trai và một con gái.Vào cuối đời nhà Tùy hào kiệt nổi lên khắp nơi ông cùng các con chiếm giử và chia nhau cai quản vùng quận Cửu Chân đóng Trị sở tại Đông Phố ( Đông Hòa ,Đông Sơn). Khi nhà Đường tiêu diệt nhà Tùy ,nhà Đường đã cho người sang chiêu dụ ông nhưng ông không theo và đã cùng các con cũng như nhân dân quận Cửu chân đứng lên chống lại nhà Đường.
Đây là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử một sự đồng hóa ngược rất thú vị .Cha con ông Lê Ngọc đã cùng nhân dân Quận cửu chân chống lại nhà Đường được ba năm thì thất bại . Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời làm quan bản thân cũng là quan lại nhà Tùy,nhưng ông đã có thời gian làm quan thái thú ở đất Nhật Nam đã lâu thấu hiểu cảnh người dân lầm than dưới sự cai trị của các triều đại phương bắc chính vì vậy ông đã cùng gia đình lãnh đạo người dân chống lại sự cai trị hà khắc đó.Các triều đại sau này đều coi gia đình ông là Hộ Quốc túy dân(giúp nước che chở cho dân).
Với công lao như vậy khi cuộc khởi nghĩa thất bại dân trong vùng đã lập nhiều đền thờ như đền Lê Ngọc ở làng Trường Xuân ,Đông Ninh,Đông sơn.Chàng út đại vương sau khi bị thương cố chạy về dốc Bò Lăn huyện Như Thanh ngày nay là căn cứ của chị gái nhưng khi đến làng Mưng xã Trung Thành Nông Cống thì mất dân làng lập đền thờ và thờ luôn cả gia đình Lê Ngọc gọi là đền năm cậu.người con gái đóng căn cứ ở dốc Bò Lăn đem quân ra tiếp ứng khi đến Cầu quan nghe tin Bố và các anh em đã bị giết liền nhảy xuống dòng Lãng Giang tự vẫn .
Xác bà trôi về phía ngã ba sông khu vực xã Tế Tân được nhân dân vớt lên và lập đền thờ gọi là đền Vua Bà hay còn gọi là đền Tam Giang.

Vào năm 618 Lê Ngọc đã cho xây dựng sinh phần ở làng Trường Xuân ,Đông Ninh ,Đông Sơn và cho dựng một văn bia trên văn bia ghi lại đạo học và sự nghiệp của Lê Ngọc, và có dòng niên hiệu Đại nghiệp thứ mười bốn ( Đại nghiệp là niên hiệu của Tùy Dang Đế).Như vậy tấm bia đá này có niên đại 1397 năm hiện được lưu giử trong bảo tàng lịch sử Việt Nam.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐỀN MƯNG CẦU QUAN

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ


Năm 1697 niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông (1663-1716) , lần đầu tiên bộ Quốc sử Việt Nam được khắc in và phát hành thành công sau nhiều lần được các sử gia qua từng triều đại biên soạn và bổ sung .
                               
Vào đời vua Trần Thái Tông ( 1218-1277), sử gia Lê Văn Hưu vâng mệnh nhà vua thu thập và biên soạn thành công bộ quốc sử đầu tiên của nước ta lấy tên là  Đại Việt Sử Ký. Tuy vậy bộ sách này khi hoàn thành xong không được khắc in và sau này bị thất lạc có thể trong thời kỳ nhà Minh đô hộ đã bị thu giữ và mang về trung quốc .
Bộ sách Đại Việt sử ký của sử gia Lê Văn Hưu được ghi bắt đầu từ thời Triệu Vũ Đế ( Triệu Đà ) năm 207 TCN đến hết năm 1225 thời Lý Chiêu Hoàng.
Sau đó dưới đời vua Lê Nhân Tông (1441-1459) sử gia Phan Phu Tiên được giao nhiệm vụ biên soạn tiếp lịch sử từ đầu thời trần 1226-1427 thời điểm kết thúc Bắc thuộc lần 4.
Vào niên hiệu Hồng Đức năm thứ 10 sử gia Ngô Sỹ Liên vâng mệnh vua Lê Thánh Tông ( 1442-1497) tiếp tục sưu tầm sử cũ và biên soạn bộ Quốc sử mới hoàn thành vào ngày 13 tháng 12 năm 1479 . Bộ Quốc sử mới có tên là Đại Việt sử ký toàn thư ,mặc dù bộ sử mới biên soạn dựa trên hai bộ sử cũ là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên .Nhưng  một điểm đặc biệt của bộ Quốc sử lần này là thời điểm bắt đầu của nước ta được tính từ năm 2879 TCN( thời đại Hồng Bàng) cho đến năm giặc Minh rút về nước 1427 . Tuy nhiên bộ Quốc sử này mặc dù đã hoàn thành nhưng vẫn nằm trong sử quán dưới dạng viết tay mà không được khắc in.
Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sỹ Liên được chia làm 2 phần:
Phần ngoại kỹ từ thời Hồng Bàng 2879 đến năm 938 khi Ngô Quyền ( 898-944) đại phá quân Nam Hán
Phần bản kỷ từ 938 đến hết năm 1427 khi giặc Minh rút về nước kết thúc thời kỳ bắc thuộc lần 4 . Cộng tất cả gồm 15 quyển .
Dưới thời vua Lê Tương Dực (1495-1516) sử gia Vũ Quỳnh soạn bộ Đại Việt thông giám thông khảo mà nội dung chủ yếu dựa trên bộ Đại Việt sử ký toàn thư chỉ khác một chút về cách chia phần Ngoại kỹ và Bản kỹ và thời kỳ thuộc Minh.Nếu như Ngô Sỹ Liên cho thời kỳ thuộc Minh lần 4 bắt đầu từ năm 1414 đến 1427 thì Vũ Quỳnh lại tính kỳ này bắt đầu từ năm 1414 đến năm 1418 tức là chỉ 4 năm vì ông cho rằng năm 1418 Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn.
Đến đời vua Lê Huyền Tông ( 1654-1671) một  nhóm văn quan  đứng đầu là Phạm Công Trứ theo lệnh của chúa Trịnh Tạc (1606-1682) khởi động lại việc biên soạn và khảo đính bộ sử cũ hoàn thành bộ chính sử mới của nước Đại Việt.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm Phạm Công Trứ biên soạn dựa trên bộ Đại việt sử ký toàn thư tam triều bản kỹ  của sử gia Ngô Sỹ Liên cùng bộ sử và sách tứ triều bản kỹ của Vũ Quỳnh, vì các bộ sử trước đây đều dừng lại ở thời điểm năm 1428,cùng với việc sưu tầm tham khảo các sách cũ còn sót và lưu hành trong dân gian như cuốn “Dã sử của Đăng Bính” , sau đó biên soạn tiếp lịch sử dài thêm 235 năm từ 1533 đời vua Lê Trang Tông đến năm 1662 cuối đời vua Lê Thần Tông.
Bộ quốc sử mới hoàn thành vào năm thứ 3 niên hiệu Cảnh Trị 1665 dưới đời vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc. Bộ quốc sử của sử gia Ngô Sỹ Liên được gọi là Đại Việt sử ký toàn thư bản Hồng Đức,còn bộ quốc sử của nhóm Phạm Công Trứ là Đại Việt sử ký toàn thư bản Cảnh Trị.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản Cảnh Trị cũng chia làm 2 phần : phần ngoại kỹ và bản kỹ .Nhưng có một điểm khác, thời đại Hồng Bàng được tính cho đến hết năm 967khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước (tiếp thu cách chia của Vũ Quỳnh).Phần bản kỹ bắt đầu từ năm 968 đến năm 1662 được chia làm 3 phần :
Bản kỹ toàn thư: từ năm 968 nhà Đinh thành lập đến hết năm 1433 hết đời vua Lê Thái Tổ.
Bản kỹ thực lục: từ năm 1434 đời vua Lê Thái Tông đến khi nhà Lê sơ sụp đổ 1527.
Từ năm 1527đến năm 1532 triều đại nhà Mạc được ghi chép như là phần phụ chép lịch sử.
Bản kỹ tục biên : từ năm 1533 đời vua Lê Trang Tông đến hết năm 1662 đời Lê Thần Tông .
Tổng cộng 23 quyển và một điều kỳ lạ là tuy đã soạn xong nhưng vẫn không được khắc in mà bản thảo của nó vẫn nằm trong kho sách của triều đình.
Năm 1676 Phạm Công trứ mất công việc soạn sử được giao cho Hồ Sỹ Dương ,năm 1681 Hồ Sỹ Dương mất . Để viết tiếp dòng chảy của lịch sử vua Lê chúa Trịnh đương thời đã giao tiếp công việc này cho nhóm văn thần của triều đình đứng đầu là Lê Hy.
Sau thời gian hiệu đính bộ Quốc sử của nhóm Phạm Công Trứ và soạn tiếp lịch sử từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến hết năm 1675 đời vua Lê Gia Tông  gồm 13 quyển.
Ngày 13 tháng 12 năm 1697 bộ Quốc sử đầu tiên của nước Đại Việt chính thức được hoàn thành , lịch sử nước Đại Việt khởi đầu từ thời Hồng Bàng năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông và bộ sử mới vẫn được mang tên là Đại Việt sử ký toàn thư ( bản Chính Hòa) gồm 24 quyển. Cùng năm đó 1697 vua Lê Chúa Trịnh đã cho khắc bản in tại 2 làng là Hồng lụcLiễu Trang và phát hành trong toàn quốc. Vào cuối thế kỹ 18 khi triều đình Hậu Lê sụp đổ toàn bộ ván khắc in đã bị thất lạc.

Để những sự việc , con người được ghi chép trong lịch sử nước Đại Việt mang tính chất trung thực.khách quan các sử gia đã dày công sưu tầm tài liệu hiệu đính cũng như thời điểm lịch sử được ghi chép  chỉ dừng ở cuối triều đại trước. Những sự kiện xảy ra trong triều đại mà các sử gia đang sống chỉ  là những sách vở  mang tính chất tham khảo để hậu thế hiệu đính và viết tiếp vào dòng chảy lịch sử nước nhà.
BIA KHẮC GHI CÔNG LAO CỦA SỬ GIA LÊ VĂN HƯU TỪ THỜI VUA TỰ ĐỨC NĂM THỨ 20
  TOÀN CẢNH KHU LĂNG MỘ NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN HƯU ĐƯỢC TÔN TẠO NĂM 2005